Ít ai biết rằng, ngoài công dụng hạ sốt, tẩy lông tơ, cây nhọ nồi có có tác dụng hiệu quả trên da trẻ. Cùng SkinBiBi khám phá cách dùng cây nhọ nồi chữa hăm đang được nhiều cha mẹ áp dụng hiện nay.
Mục lục
1. Tác dụng của cây nhọ nồi chữa hăm
Cây nhọ nồi hay còn gọi là cỏ mực, là loại cây dại mọc rất phổ biến ở đồng quê Việt Nam. Từ xưa đến nay, loại cây này vẫn được dân gian sử dụng để điều chế thành các bài thuốc trị bệnh về da cho trẻ, nhất là các bài thuốc chữa hăm.
Sở dĩ cây nhọ nồi có thể chữa hăm cho trẻ là do trong thành phần của nhọ nồi có nhiều dược chất quý như:
- Tanin: Có đặc tính tạo kết tủa với protein nên khi tiếp xúc với các vùng da bị hăm, tanin sẽ tạo thành một lớp màng mỏng, giúp làm đông máu và săn se bề mặt da. Tanin cũng có tính sát khuẩn nhẹ, giúp ức chế sự xâm nhập của vi khuẩn từ các vết hăm, tránh nhiễm trùng.
- Saponin: Có tác dụng chống lại nhiều loại nấm trong đó có nấm Candida – một trong những tác nhân hàng đầu gây hăm da ở trẻ em.
- Flavonoids: Chất chống oxy hóa mạnh có khả năng chống viêm và phục hồi vùng da bị tổn thương.
- Các vitamin A, D, E, K: Là những thành phần không thể thiếu trong việc chăm sóc da, giúp tăng sức đề kháng cho da, thúc đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào da mới, làm vết thương mau lành hơn.
2. Cách chữa hăm hiệu quả từ cây nhọ nồi
Dân gian thường dùng cây nhọ nồi chữa hăm bằng cách đun thành nước tắm cho bé. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách chữa hăm cho bé bằng cây nhọ nồi.
Nguyên liệu:
- 100 gam lá cây nhọ nồi tươi.
- 2 lít nước.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem lá cây nhọ nồi ngâm với nước muối loãng trong 10 – 15 phút để rửa sạch.
- Bước 2: Cho lá cây nhọ nồi đã rửa sạch vào nồi đun sôi cùng với 2 lít nước.
- Bước 3: Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa rồi tiếp tục đun sôi từ 5 – 7 phút thì tắt bếp.
- Bước 4: Để nước nhọ nồi nguội bớt, rồi chắt lấy nước ra một chiếc thau to.
- Bước 5: Cha mẹ pha thêm nước nguội với nước nhọ nồi để tạo thành nước tắm cho bé. Lưu ý giữ nhiệt độ nước ở mức 37 – 38 độ C để không làm bé bị lạnh hoặc bị bỏng vì nước quá nóng.
- Bước 6: Cha mẹ dùng khăn xô thấm nước lá nhọ nồi và tiến hành tắm cho bé. Tập trung làm sạch các vùng da bị hăm.
- Bước 7: Cha mẹ tắm lại cho bé với nước sạch. Sau đó, dùng khăn bông mềm lau khô người bé trước khi mặc quần áo mới.
Tần suất: Thực hiện tắm cho bé bằng lá cây nhọ nồi 2 – 3 lần/tuần.
Lưu ý khi chữa hăm cho trẻ bằng lá cây nhọ nồi:
- Mặc dù nhọ nồi được đánh giá là loại cây tương đối lành tính nhưng để đảm bảo an toàn cho làn da mỏng manh, non nớt của trẻ thì cha mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia, bác sĩ trước khi sử dụng.
- Trước khi tắm, cha mẹ nên xoa thử một chút nước nhọ nồi ra tay bé để kiểm tra độ kích ứng của da. Nếu da bé không có hiện tượng mẩn đỏ, ngứa ngáy thì có thể dùng cho các vùng da bị hăm còn lại.
- Cha mẹ cần đảm bảo nguồn nguyên liệu được sử dụng phải tươi sạch, không sâu bệnh và không tồn dư chất bảo quản thực vật. Như vậy khi dùng mới không khiến da bé bị kích ứng và các vết hăm nặng thêm.
- Thao tác khi tắm cho bé cần nhẹ nhàng, tránh chà sát mạnh sẽ gây trầy xước da hoặc làm đau bé.
- Cây nhọ nồi khi đun sẽ cho ra nước có màu đen tuyền. Vì vậy trong quá trình tắm cho bé, cha mẹ nên chú ý không để nước nhọ nồi dây ra quần áo bé, nhất là những quần áo sáng màu sẽ rất khó giặt sạch.
- Da của trẻ sơ sinh rất mỏng và non nớt nên trong 3 tháng đầu, nếu bé bị hăm thì cha mẹ không nên tắm nước lá nhọ nồi cho bé mà nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Nhược điểm của cây nhọ nồi chữa hăm
Chữa hăm bằng cây nhọ nồi chỉ có tác dụng ngay tại thời điểm sử dụng nên phương pháp này thường được áp dụng cho trẻ bị hăm nhẹ. Ngoài ra, chữa hăm bằng nhọ nồi cũng có một số nhược điểm khác như: gây ngứa và khô da. Nếu sử dụng quá liều sẽ dễ gây kích ứng da và phản tác dụng trị bệnh.
Do đó, muốn chữa hăm cho trẻ đạt hiệu quả cao thì ngoài việc dùng nhọ nồi, cha mẹ cũng nên kết hợp với các phương pháp khác như: vệ sinh cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày, thay bỉm tã thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo chất liệu mềm mại, thoáng mát… đặc biệt nên sử dụng thêm các loại kem chống hăm có thành phần từ tự nhiên.
Chuyên gia khuyến cáo: Trong trường hợp trẻ bị hăm nặng (da mưng mủ, lở loét, chảy dịch vàng), cha mẹ không nên sử dụng cây nhọ nồi hoặc bất cứ phương pháp dân gian nào để trị hăm cho bé. Việc làm này có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và khiến vết hăm ngày càng nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, hãy đưa con đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. |
3. Các phương pháp chữa hăm khác
Bên cạnh việc sử dụng cây nhọ nồi chữa hăm, cha mẹ cũng có thể sử dụng các loại lá cây khác để đun thành nước tắm chữa hăm cho bé như: lá trầu không, lá khế, cây mã đề, lá ổi… Đây đều là những loại lá có khả năng chống viêm, kháng khuẩn mạnh giúp làm săn se vết hăm nhanh chóng và ngăn ngừa nhiễm trùng. Từ đó, các vết hăm luôn được sạch sẽ, khô thoáng và mau hồi phục hơn.
Hăm da rất dễ tái phát nên ngoài việc chữa hăm, cha mẹ cũng cần chủ động trong việc phòng hăm cho bé. Một số biện pháp phòng tránh hăm da cho bé mà cha mẹ có thể tham khảo đó là:
- Thay bỉm tã cho trẻ thường xuyên: Khoảng 2 – 3 giờ/lần với trẻ sơ sinh và 3 – 4 giờ/lần với trẻ nhỏ để da bé không phải tiếp xúc quá lâu với tác nhân gây hăm có trong phân và nước tiểu.
- Hạn chế đóng tã bỉm cho trẻ: Cha mẹ nên thả rông cho bé 30 phút mỗi ngày để da được khô ráo, thoáng mát.
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày: Giúp loại bỏ hết các bụi bẩn, vi khuẩn, nấm còn bám dính trên da. Chú ý tập trung làm sạch các vùng da có nhiều nếp gấp như cổ, nách, bẹn, mông… vì đây là những vị trí dễ bị hăm nhất.
- Cho bé dùng bỉm tã chất lượng: Để đảm bảo da khô thoáng, không bị cọ sát bởi thành bỉm sắc cạnh dẫn đến kích ứng và gây hăm.
- Sử dụng kem chống hăm có thành phần tự nhiên: Với ba công dụng chính là sát khuẩn, giảm viêm, giảm ngứa, kem chống hăm sẽ giúp cải thiện triệu chứng hăm da đồng thời bảo vệ da khỏi tác nhân gây hăm. Nên chọn kem có thành phần từ tự nhiên như cúc la mã kết hợp với kẽm oxyd, vitamin E, vitamin B5.
Trên thực tế, mặc dù cách sử dụng cây nhọ nồi chữa hăm đang được áp dụng phổ biến, song không phải trường hợp nào cây nhọ nồi cũng cho hiệu quả như mong muốn. Vì thế, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để việc trị hăm cho bé an toàn và hiệu quả.