Làn da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh và nhạy cảm nên dễ mắc các bệnh về da. Ba mẹ hãy cùng SkinBiBi tìm hiểu các bệnh về da ở trẻ sơ sinh thường gặp dưới đây để có hướng xử trí phù hợp nhé.
Mục lục
1. Hăm tã
Hăm tã là một trong các bệnh về da ở trẻ sơ sinh hay gặp nhất. Hăm tã (viêm da tã lót) là tình trạng viêm da xảy ra ở vùng quấn tã của trẻ. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ trong giai đoạn mang tã (0 – 24 tháng tuổi).
Hăm tã ở trẻ có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân như:
- Mặc tã bỉm quá chật: Khiến da bé bị chà sát nhiều lần dẫn đến trầy xước, kích ứng và hăm tã.
- Không thường xuyên thay bỉm tã: Khiến da bé phải tiếp xúc với phân và nước tiểu trong thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn hăm tấn công.
- Không vệ sinh vùng quấn tã sạch sẽ: Khiến cho chất thải, bụi bẩn tích tụ, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm, gây hăm.
- Sử dụng bỉm tã kém chất lượng: Bỉm tã có chất liệu không mềm mại và độ thấm hút kém khiến da bé bị kích ứng.
- Do các thành phần hóa học, chất tạo mùi có trong xà phòng, nước giặt quần áo cũng làm da bé dễ bị kích ứng, gây hăm.
Hăm tã được chia thành 7 cấp độ. Ứng với mỗi cấp độ có một dấu hiệu nhận biết riêng:
- Cấp độ 1: Da bé khô nhẹ, trên da mọc các nốt sần nhưng không bị viêm.
- Cấp độ 2: Da bé khô nhẹ và ửng hồng trên diện tích nhỏ.
- Cấp độ 3: Da bé ửng đỏ, trên da xuất hiện những mụn nhỏ li ti.
- Cấp độ 4: Da ửng đỏ và mụn nhỏ li ti xuất hiện nhiều hơn.
- Cấp độ 5: Vết hăm và mụn nhỏ bắt đầu lan ra với diện tích rộng.
- Cấp độ 6: Vết hăm có màu đỏ đậm hơn, bề mặt da hơi sưng, mụn nước tiến triển thành mụn mủ.
- Cấp độ 7: Vết hăm có màu đỏ sậm, da sưng phù, mụn mủ bị vỡ, lở loét và chảy dịch vàng.
Khi trẻ bị hăm tã, ba mẹ nên thực hiện các biện pháp sau để cải thiện nhanh tình trạng của bệnh:
- Dành thời gian cho bé bỏ bỉm tã: Để vùng da bị hăm được khô thoáng, không bị cọ xát làm tình trạng bệnh nặng thêm.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng da quấn tã của bé mỗi ngày: Giúp loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ trên da gây hăm.
- Thay bỉm tã thường xuyên: Giúp vùng da quấn tã luôn khô thoáng, sạch sẽ, không bị ẩm ướt hay tiếp xúc quá lâu với phân và nước tiểu.
- Sử dụng bỉm tã chất lượng: Dùng bỉm có độ thấm hút tốt và chất liệu mềm mại sẽ hạn chế tình trạng da ẩm ướt và bị cọ sát quá nhiều. Từ đó, giảm kích ứng và hăm tã.
- Sử dụng bỉm có kích cỡ vừa vặn: Dùng bỉm có size vừa vặn với vòng mông của trẻ sẽ giúp chống tràn, giảm cọ xát gây tổn thương da bé.
- Sử dụng sữa tắm, nước giặt… không có chất tạo mùi: Giúp ngăn ngừa được tình trạng da bị dị ứng, mẩn ngứa, phồng rộp và hăm nặng hơn.
- Cho bé mặc quần áo rộng rãi và chơi ở nơi thoáng mát: Giúp làm mát da bé, hạn chế việc tiết mồ hôi.
- Sử dụng các loại kem chống hăm tã: Kem chống hăm có thành phần tự nhiên, lành tính như cúc la mã, kẽm oxyd, vitamin E và B5 có khả năng sát khuẩn, kháng viêm, giảm ngứa nên giúp điều trị hăm tã rất hiệu quả.
Hăm tã rất dễ tái phát lại. Do đó ba mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:
- Dùng kem chống hăm cho trẻ mỗi ngày.
- Hạn chế đóng bỉm tã cho trẻ, chỉ đóng khi thật sự cần thiết.
- Nếu đóng bỉm tã thì cần kiểm tra và thay mới thường xuyên sau từ 2-3 tiếng.
- Phải vệ sinh da bé sạch sẽ trước khi mặc bỉm tã mới.
- Cho trẻ sử dụng bỉm tã chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có size phù hợp.
2. Chàm da
Trong các bệnh về da ở trẻ sơ sinh thứ hai là bệnh chàm da. Chàm là tình trạng viêm da ở thể cấp và mãn tính thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Với các bé sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, chàm thường xuất hiện ở má, da dầu sau đó lan đến cánh tay, chân, ngực hoặc các bộ phận khác. Còn với các bé 1 – 5 tuổi, chàm thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, cổ tay, mắt cá chân.
Nguyên nhân gây chàm da
Hiện nay, nguyên nhân gây chàm da ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các yếu tố sau được xem là nguy cơ khởi phát bệnh như sau:
- Trẻ sơ sinh có cơ địa bị dị ứng khiến cho lớp biểu bì ngoài cùng của da dễ bị tổn thương hơn người bình thường. Da bé luôn trong tình trạng khô và nứt nẻ.
- Trẻ di truyền bệnh chàm da từ bố hoặc mẹ.
- Trẻ tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây dị ứng như: lông vật nuôi, khói bụi, nấm mốc, phấn hoa, xà phòng và các chất tẩy rửa.
- Trẻ bị dị ứng với thức ăn giàu đạm như trứng, sữa, hải sản (các loại thức ăn này do mẹ ăn và bé bú sữa mẹ nên bị ảnh hưởng).
- Trẻ bị dị ứng với thời tiết hanh khô, nóng ẩm.
- Trẻ có hệ miễn dịch kém nên dễ bị các loại virus, vi khuẩn gây bệnh tấn công.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị chàm da
Ba mẹ có thể nhận biết trẻ sơ sinh bị chàm thông qua những dấu hiệu sau:
- Ở giai đoạn khởi phát, vùng da bị chàm sẽ xuất hiện các mảng đỏ và hơi ngứa. Trên da có các mụn nhỏ li ti.
- Vùng da bị chàm đỏ hơn. Mụn nhỏ tiến triển thành mụn nước, bên trong có chứa dịch.
- Mụn nước khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Một số trẻ có thể dùng tay cọ vào gây trầy xước và làm vỡ mụn khiến dịch bên trong chảy ra bên ngoài.
- Dịch tiết ra bên ngoài sau một thời gian sẽ khô lại và đóng thành vảy như da rắn.
- Dùng tay sờ ba mẹ sẽ thấy da trẻ khô ráp, nứt nẻ và có hiện tượng bong tróc thành từng mảng một.
- Nếu chàm tái phát nhiều lần, vùng da của bé ngày càng dày lên, đậm màu giống các vết hằn ở cổ trâu.
Cách xử lý chàm da ở trẻ
Để điều trị chàm ở trẻ sơ sinh, ba mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Tắm và dưỡng ẩm da bé mỗi ngày: Giúp da bé bớt khô hơn, làm giảm các cơn ngứa do tình trạng bong tróc da gây ra.
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của trẻ: Sẽ hạn chế bụi bẩn và các tác nhân gây dị ứng như lông chó, mèo, bụi bẩn, phấn hoa… gây chàm da bé.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho mẹ: Mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và tránh ăn những thực phẩm dễ gây kích ứng và chàm da như: hải sản, trứng, đậu.
- Giữ nhiệt độ và độ ẩm trong phòng phù hợp: Không điều chỉnh nhiệt độ quá cao sẽ khiến trẻ ra mồ hôi và không quá thấp sẽ khiến da bé dễ bị khô và nứt nẻ.
Cách phòng tránh chàm da
Để phòng ngừa chàm ở trẻ sơ sinh ba mẹ cần:
- Vệ sinh thân thể trẻ mỗi ngày bằng nước ấm và khăn mềm.
- Chỉ dùng các loại xà phòng và nước giặt có thành phần dịu nhẹ, không có mùi thơm để vệ sinh da và giặt quần áo cho bé.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tránh để bụi bẩn, lông động vật bám vào quần áo cũng như đồ chơi của bé.
- Mẹ nên hạn chế ăn đồ ăn gây dị ứng da như: trứng, hải sản, nội tạng động vật.
- Dưỡng ẩm da bé đều đặn mỗi ngày để hạn chế tình trạng da bị khô, nứt nẻ dẫn đến chàm.
3. Mụn sữa
Mụn sữa (hay mụn trứng cá sơ sinh, nang kê) là những nốt nhỏ màu trắng hoặc màu vàng ngọc trai xuất hiện trên bề mặt da của trẻ sơ sinh. Bệnh là kết quả của một loại protein được gọi là keratin bị giữ lại trên da.
Nguyên nhân gây mụn sữa
Nguyên nhân dẫn đến mụn sữa ở trẻ sơ sinh hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ được cho là có thể dẫn đến mụn sữa ở trẻ sơ sinh có thể kể đến như:
- Thời tiết nóng ẩm khiến da bé dễ bị nổi mụn.
- Da bé tiếp xúc nhiều với sữa mẹ, chất tẩy rửa sót lại trên quần áo hoặc nước bọt làm mụn sữa mọc nhiều hơn.
- Trẻ uống sữa bột có nhiều đạm albumin.
- Mẹ ăn quá nhiều đồ nóng trong khi hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn non yếu.
- Trẻ bị phì đại tuyến bã.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị mụn sữa
Trẻ sơ sinh bị mụn sữa thường có những dấu hiệu nhận biết như:
- Trên da bé xuất hiện những nốt mụn nhỏ, bên trong có nhân màu trắng hoặc màu vàng, không gây đau và không gây ngứa.
- Vị trí mọc mụn sữa nhất là mặt, má, mí mắt và mũi. Một số trẻ cũng có thể bị mụn sữa ở trán, cằm, da đầu, lưng, ngực hoặc cổ.
- Mụn sữa thấy rõ hơn khi trẻ đang quấy khóc và nổi nhiều hơn khi trẻ đang bị nóng, da dính nước bọt hay tiếp xúc với quần áo thô ráp.
Cách xử trí khi trẻ bị mụn sữa
Mụn sữa ở trẻ có thể tự khỏi nhưng ba mẹ cũng có thể thực hiện các biện pháp sau để khắc phục bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho da trẻ: Ba mẹ rửa mặt và tắm rửa hàng ngày cho bé bằng nước ấm để loại bỏ các tác nhân gây mụn tích tụ trên da.
- Không dùng xà phòng có mùi thơm hoặc chất tạo bọt: Các hương liệu tạo mùi, tạo bọt sẽ khiến da trẻ nhạy cảm và dễ bị nổi mụn hơn. Vì thế, ba mẹ ko nên sử dụng sản phẩm có chứa thành phần này.
- Chú ý đến chế độ dinh dưỡng: Khi đang cho con bú trực tiếp, mẹ tránh ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng và nổi mụn như: hải sản, trứng, lạc…
- Thuốc bôi trị mụn: Ba mẹ cần cho bé sử dụng các loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ.
- Tuyệt đối không tự ý cậy, nặn mụn sữa của trẻ: Vì điều này có thể gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn da trẻ.
Cách phòng mụn sữa ở trẻ
Dưới đây là những biện pháp giúp mẹ phòng mụn sữa ở trẻ:
- Vệ sinh da bé sạch sẽ bằng nước ấm hoặc sữa tắm cho trẻ sơ sinh mỗi ngày.
- Duy trì việc cho bé bú bằng sữa mẹ, hạn chế cho bé dùng sữa công thức có chứa nhiều đạm albumin.
- Đảm bảo chế độ ăn của mẹ hợp lý khoa học, không chứa các thực phẩm gây kích ứng da.
- Cho trẻ mặc quần áo mềm mại, thoải mái.
4. Viêm da tiết bã
Bệnh tiếp theo trong các bệnh về da ở trẻ sơ sinh là viêm mda tiết bã. Viêm da tiết bã (hay viêm da dầu hoặc chàm da mỡ) thường xảy ra ở trẻ em từ 0 – 3 tháng tuổi và phần lớn chỉ gây triệu chứng ở vùng da đầu. Tổn thương ở trẻ nhỏ thường tự biến mất sau khoảng 3 – 12 tháng mà không cần can thiệp các biện pháp điều trị.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các mảng hồng ban tróc vảy vùng tiết bã như: nếp mũi, mang tai, chân mày, da đầu, vùng da trước ngực hoặc da lưng.
Nguyên nhân gây viêm da tiết bã
Cũng giống như chàm da và mụn sữa, nguyên nhân chính xác gây viêm da tiết bã ở trẻ vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như:
- Di truyền: Trẻ bị mắc bệnh do có cha hoặc mẹ bị viêm da tiết bã.
- Da dầu: Hoạt động bài tiết dầu quá mức có thể kích thích hoạt động của nấm men và gây bệnh viêm da tiết bã.
- Thời tiết: Vào mùa thu – đông, da dễ bị mất nước, khô ráp và bong tróc, dẫn đến viêm da tiết bã.
- Điều kiện sinh hoạt: Việc vệ sinh da không sạch sẽ cũng góp phần làm gia tăng tình trạng viêm da tiết bã.
- Một số yếu tố khác: Chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, cay nóng, trẻ bị căng thẳng hoặc sống trong môi trường ô nhiễm.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm da tiết bã
Với trẻ sơ sinh 0 – 3 tháng tuổi, viêm da tiết bã phần lớn chỉ xảy ra ở vùng đầu hay dân gian còn gọi là “cứt trâu” với các dấu hiệu điển hình như:
- Da đầu xuất hiện những mảng vảy màu vàng nhạt, vàng nâu hoặc nâu đen.
- Mảng vảy này bám chặt vào da dầu và chân tóc nhưng không gây ngứa ngáy, sưng viêm, đau nhức hay nóng rát.
Cách xử lý viêm da tiết bã ở trẻ
Các mảng vảy do viêm da tiết bã gây nên có thể tự bong tróc và biến mất sau vài tháng mà không cần tới điều trị. Nếu mẹ muốn trẻ nhanh hết mảng bám trên đầu hơn thì có thể thực hiện các cách như:
- Gội đầu thường xuyên cho trẻ bằng dầu gội đầu dành cho trẻ sơ sinh (không chứa acid salicylic gây kích ứng da).
- Dùng tay xoa nhẹ lên da đầu hoặc dùng bàn chải mềm, chải da đầu cho bé để mảng vảy bong tróc ra dần dần.
Cách phòng viêm da tiết bã ở trẻ
Một số biện pháp giúp dự phòng viêm da tiết bã ở trẻ bao gồm:
- Vệ sinh da trẻ với nước thường xuyên để làm giảm dầu thừa và sạch các vảy bong.
- Dùng kem dưỡng ẩm ngày 2 – 3 lần để điều hòa hoạt động tiết bã nhờn của da.
- Cho trẻ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ để tăng sức đề kháng cho da.
5. Nấm da
Nấm da là tình trạng da trẻ bị nhiễm một loại vi nấm sợi ngoài da. Chúng bám trên tế bào sừng của da và tiết ra độc tố gây ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ.
Ở trẻ sơ sinh, nấm da thường phát triển ở các vùng da bị ẩm ướt và có nhiều mồ hôi như: bẹn, bìu, kẽ các ngón chân, tay, xung quanh thắt lưng, nếp dưới vú, nách, cổ và ngay cả da vùng đầu.
Nguyên nhân gây nấm da
Nguyên nhân của bệnh nấm da là do:
- Trẻ không được vệ sinh da sạch sẽ khiến cho bụi bẩn tích tụ tạo môi trường thuận lợi cho nấm ký sinh.
- Trẻ dùng chung đồ dùng với những người mắc bệnh nấm da.
- Trẻ tiếp xúc với vật nuôi bị nhiễm bệnh nấm da.
- Môi trường nóng và ẩm ướt tạo ra môi trường thuận lợi cho nấm sinh sôi phát triển. Trẻ có nguy cơ bị nhiễm nấm cao khi sống trong môi trường này.
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch, khiến cho các sợi nấm dễ dàng tấn công và gây bệnh.
Khi bị nấm da trẻ sẽ có các biểu hiện như:
- Ban đầu vùng da bị nấm ửng đỏ, trên da có mụn nước. Trẻ có thể cảm thấy hơi ngứa.
- Vùng da bị nấm lan rộng ra tạo thành hình vòng tròn có bờ ngoài cao và màu sắc đỏ hơn vùng da bên trong.
- Ở giai đoạn nặng, các vòng tròn sẽ lan rộng hơn và chồng chéo lên nhau. Trẻ bị ngứa nhiều hơn, có thể dùng tay gãi dẫn đến tình trạng da sưng, chảy nước và nhiễm trùng da.
Nấm da ở trẻ sơ sinh có thể kiểm soát thông qua các biện pháp như:
- Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ: Ba mẹ tắm rửa cho bé mỗi ngày để loại bỏ đi mồ hôi, chất bẩn – môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.
- Cho bé mặc quần áo giặt sạch, phơi khô: Sẽ hạn chế nấm mốc từ quần áo lây lan và ký sinh sang da bé.
- Không cho bé dùng chung đồ với người khác: Ba mẹ chỉ cho bé sử dụng đồ dùng cá nhân của mình, không dùng lại đồ của trẻ khác nhất là những trẻ bị nấm da để tránh lây lan.
- Vệ sinh không gian sống của trẻ sạch sẽ: Quần áo, chăn màn, gối, đồ chơi, của trẻ phải được vệ sinh sạch sẽ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm từ vật dụng xung quanh.
- Giữ phòng ngủ của trẻ thông thoáng: Ba mẹ nên giữ phòng ngủ của con sạch sẽ, khô ráo và thông thoáng tránh để phòng bị ẩm mốc sẽ khiến vi khuẩn nấm dễ sinh sôi.
- Điều chỉnh chế độ ăn ngủ, khoa học: Một chế độ ăn ngủ hợp lý sẽ giúp làm tăng sức đề kháng cho trẻ. Từ đó trẻ có thể chống lại tác nhân gây nấm da từ bên ngoài.
- Dùng thuốc trị nấm: Thuốc trị nấm giúp loại bỏ nấm hiệu quả nhưng việc sử dụng phải có sự cho phép của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Dưới đây là một số cách mà ba mẹ nên áp dụng để dự phòng nấm da ở trẻ:
- Vệ sinh thân thể bé sạch sẽ mỗi ngày.
- Cho bé chơi ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Cho trẻ mặc quần áo giặt sạch, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
- Không cho trẻ dùng chung đồ với trẻ khác đang bị nấm da.
- Không cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi đang bị bệnh về da.
6. Vàng da
Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sau sinh 2 – 3 ngày, da và mắt bé chuyển thành màu vàng. Hiện tượng này thường gặp ở những trẻ sinh non và một số bé gặp vấn đề khi bú sữa mẹ (bé gặp khó khăn khi bú mẹ hoặc mẹ chưa đủ tiết sữa).
Nguyên nhân dẫn đến vàng da
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng vàng da là do dư thừa lượng bilirubin trong máu – một sắc tố có màu vàng cam của hồng cầu. Khi lượng bilirubin quá nhiều mà gan của trẻ sơ sinh lại chưa đủ khả năng để đào thải hết thì bilirubin sẽ lưu lại trong máu gây vàng da.
Dấu hiệu nhận biết vàng da ở trẻ
Vàng da bao gồm hai loại là sinh lý và bệnh lý. Ứng với mỗi loại sẽ có một dấu hiệu nhận biết riêng.
- Vàng da sinh lý: Xuất hiện trong khoảng 2 – 4 ngày sau sinh. Vàng da đơn thuần ở các vùng mặt, cổ, ngực, vùng bụng phía trên rốn và không có các triệu chứng khác đi kèm. Trẻ tự khỏi sau 1 tuần với sinh đủ tháng và 2 tuần với sinh non.
- Vàng da bệnh lý: Xuất hiện sớm ngay từ ngày đầu tiên sau sinh. Mức độ vàng da rất đậm, vàng toàn thân và cả mắt. Có nhiều triệu chứng đi kèm như: bỏ bú, sốt, khóc nhiều… và không tự khỏi như vàng da sinh lý.
Cách xử lý khi trẻ bị vàng da
Vàng da sinh lý sẽ tự hết trong một thời gian ngắn. Trường hợp trẻ bị vàng da bệnh lý, các bác sĩ sẽ phải áp dụng một số các phương pháp điều trị bao gồm:
- Chiếu đèn: Mục tiêu của phương pháp này là sử dụng năng lượng ánh sáng xuyên qua da giúp chuyển hóa bilirubin tự do trong máu thành các chất không độc, sau đó đào thải ra ngoài theo đường phân và nước tiểu.
- Thay máu: Được chỉ định khi vàng da nặng đến lòng bàn tay, chân hoặc mức Bilirubin máu tăng cao > 20 mg% và trẻ bắt đầu có biểu hiện thần kinh (li bì, bú kém).
Cách phòng bệnh vàng da ở trẻ
Để đề phòng vàng da ở trẻ sơ sinh ba mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Tuân thủ lịch khám thai của bác sĩ để dự phòng vàng da cho bé trước sinh.
- Chú trọng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để tránh việc sinh non.
- Cho bé bú mẹ và tắm nắng mỗi sáng đúng cách.
- Phòng của bé cần có đủ ánh sáng để dễ dàng theo dõi màu sắc da trẻ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh.
7. Rôm sảy
Rôm sảy là những nốt mẩn đỏ to như đầu kim, hình tròn hoặc lấm tấm, có nước ở đầu mụn, mẩn đỏ thường xuất hiện ở những vùng tiết nhiều mồ hôi như: đầu, cổ, lưng, ngực…
Nguyên nhân dẫn đến rôm sảy
Trẻ sơ sinh bị rôm sảy là do tuyến mồ hôi của trẻ bị bịt kín, khiến mồ hôi không thoát ra được. Điều này xảy ra do một số nguyên nhân như:
- Ống dẫn mồ hôi của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện: Ở trẻ sơ sinh, ống dẫn mồ hôi chưa phát triển đầy đủ nên mồ hôi không có đường thoát ra ngoài, bị tắc lại gây ra bệnh rôm sảy.
- Trẻ mặc quá nhiều quần áo: Trẻ mặc quá nhiều quần áo, nhất là các loại quần áo không thấm hút mồ hôi hoặc kích thước quá chật chội cũng dễ làm mồ hôi không thoát ra ngoài gây rôm sảy.
- Trẻ bị sốt: Khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, da tiết nhiều mồ hôi nhưng không thoát ra được hết dẫn đến rôm sảy.
- Sản phẩm tắm gội, nước giặt có nhiều hóa chất kích ứng mạnh: Khiến da dễ bị mẫn cảm, nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị rôm sảy
Trẻ bị rôm sảy thường có các triệu chứng như:
- Nổi các mụn nước dưới da.
- Da bị mẩn đỏ và gây cảm giác ngứa ngáy.
- Bé rất ngứa, gãi nhiều gây xây xát da, dẫn đến nhiễm khuẩn và tụ mủ.
- Bé bị mất ngủ, ăn uống không ngon miệng và thường xuyên quấy khóc.
Cách xử lý khi trẻ bị rôm sảy
Khi thấy bé bị rôm sảy, ba mẹ nên thực hiện các biện pháp sau để làm giảm đi những triệu chứng khó chịu cho bé.
- Điều trị bằng dân gian: Một số loại lá dân gian như trà xanh, kinh giới, lá khế… có khả năng sát khuẩn, giảm ngứa tốt. Ba mẹ có thể dùng để đun thành nước tắm sẽ giúp làm dịu đi các vết mẩn ngứa trên da con.
- Làm mát da bé: Ba mẹ tắm cho bé mỗi ngày để làm mát da bé. Bên cạnh đó, cũng nên cho bé chơi ở nơi thoáng mát để hạn chế ra mồ hôi.
- Thoa kem trị rôm sảy: Ba mẹ thoa kem theo chỉ định của bác sĩ để làm dịu cơn ngứa cũng như giảm bớt tình trạng rôm sảy.
- Sử dụng sản phẩm tắm, giặt dịu nhẹ: Ba mẹ hãy chọn bộ sản phẩm tắm gội, giặt giũ dành riêng cho bé để hạn chế kích ứng da dẫn đến rôm sảy.
Cách phòng ngừa rôm sảy ở trẻ
Để tránh tình trạng rôm sảy ở trẻ sơ sinh tiếp tục tái diễn, ba mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng tránh dưới đây:
- Giữ da bé luôn sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát.
- Phòng ngủ của bé luôn mát mẻ, thông thoáng.
- Cho bé mặc quần áo rộng rãi, có khả năng hút ẩm tốt.
- Hạn chế mặc quá nhiều quần áo cho trẻ.
- Không thoa phấn rôm vì dễ làm bít tắc lỗ chân lông.
8. Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh tiếp theo trong các bệnh về da ở trẻ sơ sinh. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là xuất hiện những phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, bên trong miệng, đầu gối và mông của trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Thủ phạm chính của bệnh tay chân miệng là do nhóm virus đường ruột Enterovirus, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71) gây nên. Trong đó:
- Virus Coxsackie A16: Ít gây ra các biến chứng về thần kinh và có thể tự khỏi trong vài ngày.
- Virus Enterovirus 71 (EV71): Gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài 2 loại virus trên thì một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
Tùy từng giai đoạn, bệnh tay chân miệng sẽ có những dấu hiệu riêng:
- Giai đoạn ủ bệnh: Khoảng 3 – 7 ngày, trẻ chưa có các dấu hiệu cụ thể.
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài 1 – 2 ngày, trẻ có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, chán ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài từ 3 – 10 ngày với các triệu chứng như:
- Loét miệng: Ở niêm mạc, lợi, lưỡi của trẻ xuất hiện những vết loét đỏ hay phỏng nước có đường kính 2-3 mm gây đau miệng.
- Phát ban dạng phỏng nước: Ban đầu các nốt ban hồng đường kính vài mm nổi trên bề mặt da ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng và mông trẻ. Phỏng nước chứa nhiều dịch và có thể vỡ ra khiến trẻ đau đớn.
- Sốt: Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc nôn. Nếu sốt cao và nôn nhiều sẽ xuất hiện các biến chứng về thần kinh, tim mạch và hô hấp.
- Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn không có biến chứng.
Cách xử lý khi trẻ bị tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng có thể do nhiều virus gây ra nên hiện nay chưa có thuốc hay vaccine điều trị đặc hiệu. Cách điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc hạ sốt: Ba mẹ có thể dùng Paracetamol để hạ sốt và giảm đau cho bé. Nhưng cần lưu ý, không sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin.
- Thuốc bôi Xanh methylen: Bôi thuốc xanh methylen lên các vết loét giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng và các nốt phỏng lan rộng.
- Dùng nước muối sinh lý: Ba mẹ dùng nước muối sinh lý 0,9% để sát trùng niêm mạc cho trẻ. Nước muối sẽ làm giảm phản ứng viêm da khiến các vết phỏng không bị nhiễm trùng.
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước hoặc sữa đã được làm mát: Việc làm này sẽ giúp con tránh được tình trạng đau họng khi nuốt và mất nước.
- Không cho trẻ ăn thức ăn cay, mặn: Vì khiến các vết loét quanh miệng thêm trầm trọng hơn.
- Tắm rửa vệ sinh cho trẻ nhẹ nhàng bằng nước sạch: Tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày sẽ hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn lan rộng.
- Đưa trẻ đi gặp bác sĩ: Nếu trẻ sốt cao liên tục kèm theo đó là các biểu hiện lừ đừ, uể oải, khóc, quấy, nước tiểu vàng đậm, chân tay lạnh thì ba mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng
Ba mẹ có thể làm giảm nguy cơ trẻ bị tay chân miệng bằng những cách đơn giản sau:
- Vệ sinh da trẻ sạch sẽ mỗi ngày.
- Ba mẹ và những người thân trong gia đình phải rửa tay với xà phòng thường xuyên trước khi làm vệ sinh hoặc chuẩn bị thức ăn cho trẻ.
- Vệ sinh, khử trùng các đồ vật mà bé tiếp xúc.
- Tránh để trẻ ôm, hôn, dùng chung quần áo hay đồ dùng cá nhân với những trẻ bị nhiễm bệnh
9. Mề đay mẩn ngứa
Mề đay là tình trạng da trẻ xuất hiện những nốt sẩn đỏ không đều, nổi gồ trên bề mặt da, có thể liên kết thành mảng. Bệnh thường xảy ra khi da tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: hóa chất, vi sinh vật…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay ở trẻ sơ sinh như:
- Thời tiết: Thời tiết thay đổi đột ngột khiến da trẻ chưa kịp thích nghi đột ngột dẫn đến nổi mề đay.
- Cơ địa: Một số trẻ có cơ địa dễ bị dị ứng nên khi tiếp xúc với phấn hoa hoặc lông động vật có thể bị nổi mẩn và ngứa ngáy.
- Thực phẩm: Trẻ bị nổi mề đay khi mẹ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như: hải sản, cá, sữa, trứng, đậu.
- Sức đề kháng yếu: Trẻ có sức đề kháng yếu thì vi khuẩn dễ xâm nhập, tấn công gây bệnh cho bé.
- Các loại thuốc và tiêm phòng: Một số loại thuốc tây điều trị bệnh cũng khiến da trẻ bị kích ứng dẫn đến nổi mề đay.
- Các yếu tố khác: Côn trùng cắn, trẻ tiếp xúc nhiều với hóa chất có trong các sản phẩm tắm gội…
Bệnh mề đay ở trẻ có những triệu chứng nổi bật như:
- Sẩn: Khi bị mề đay da trẻ sẽ xuất hiện những nốt sẩn nổi cao trên bề mặt da, màu sắc đỏ hoặc hồng nhạt. Nốt sẩn có thể tập trung thành từng mảng, xuất hiện nhanh, mất đi cũng nhanh.
- Ngứa: Đa số trẻ bị mề đay đều rất ngứa, càng gãi các nốt sẩn càng nổi thêm.
- Phù mạch: Trường hợp nặng, nốt sẩn xuất hiện nhiều làm sưng to cả một vùng gọi là phù mạch hay phù Quincke.
- Các biểu hiện khác đi kèm: Sốt, rối loạn tiêu hóa, nổi mụn nước…
Cách xử lý khi trẻ bị mề đay
Thông thường, mề đay ở trẻ có thể tự biến mất mà không cần phải chữa trị. Nhưng nếu muốn trẻ nhanh khỏi hơn ba mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng: Ba mẹ khoanh vùng nhóm các yếu tố nguy cơ gây nổi mề đay ở trẻ (thức ăn, phấn hoa, côn trùng…) sau đó hạn chế để trẻ tiếp xúc với các yếu tố này.
- Tắm nước mát: Giúp làm giảm nhanh triệu chứng phồng rộp, sưng nóng, cải thiện tình trạng kích ứng da.
- Chườm lạnh: Nhiệt độ thấp giúp co mạch, giảm viêm, làm mát da từ đó giảm nhanh triệu chứng nổi mẩn, ngứa ngáy dữ dội.
- Thoa kem dưỡng ẩm: Giúp làm dịu cơn ngứa và giảm viêm da hiệu quả.
- Hạn chế việc gãi ngứa: Sẽ giúp tránh tình trạng viêm nhiễm lan rộng.
- Mặc quần áo phù hợp: Quần áo có chất liệu mềm mại, an toàn sẽ không gây kích ứng da và khiến cho tình trạng nổi mề đay của trẻ bị nghiêm trọng hơn.
- Thuốc tây y: Một số loại thuốc như histamin H1, thuốc bôi chứa menthol, corticoid… có thể dùng để điều trị nổi mề đay ở trẻ. Nhưng để đảm bảo an toàn thì việc sử dụng phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Ba mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để phòng tránh việc trẻ bị nổi mề đay:
- Không để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như: phấn hoa, lông động vật…
- Giữ cơ thể trẻ luôn mát mẻ, thông thoáng.
- Không cho trẻ dụng các loại mỹ phẩm và xà bông có thành phần hóa học dễ gây kích ứng da.
10. Thủy đậu
Trong các bệnh về da ở trẻ sơ sinh thủy đậu là một trong những căn bệnh thường xảy ra với trẻ. Thủy đậu (trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu Varicella virus gây ra. Biểu hiện ban đầu của thủy đậu là các nốt mụn nước nổi khắp người, niêm mạc miệng và lưỡi. Thủy đậu có khả năng lây lan nhanh chóng và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn vào mùa xuân lúc thời tiết nồm ẩm.
Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu được gây ra bởi virus Varicella Zoster (VZV). Virus VZV xâm nhập vào cơ thể trẻ qua niêm mạc đường hô hấp trên. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị thủy đậu do tiếp xúc với virus qua nước bọt, dịch tiết mũi hoặc dịch từ các nốt phỏng vỡ ra của trẻ bị thủy đậu trước đó.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị thủy đậu
Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện với các triệu chứng sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài khoảng 10 – 20 ngày, người bệnh không xuất hiện triệu chứng lâm sàng cụ thể.
- Giai đoạn khởi phát: Trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, người mệt mỏi, trên da có những ban đỏ đường kính 24-48 mm.
- Giai đoạn toàn phát: Trẻ sốt cao, biếng ăn, nôn ói. Ban đỏ chuyển thành mụn nước hình tròn, đường kính 1 – 3mm, có chứa dịch bên trong.
Mụn xuất hiện toàn thân, tập trung nhiều ở tay, chân, lưng, mặt và vùng niêm mạc miệng. Trường hợp nặng, mụn nước có kích thước lớn hơn, màu đục và bên trong có mủ.
- Giai đoạn hồi phục: Sau 7 – 10 ngày phát bệnh, mụn nước vỡ ra, khô lại, bong vảy và dần hồi phục. Các nốt mụn bong vảy sẽ bị thâm sạm và để lại sẹo rỗ trên da nếu ba mẹ không bôi thuốc chống sẹo cho bé.
Cách xử lý khi trẻ bị thủy đậu
Để điều trị bệnh thủy đậu nhanh khỏi, không để lại sẹo, ba mẹ cần thực hiện các cách sau:
- Cách ly trẻ: Thủy đậu lây qua đường hô hấp và qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu ba mẹ nên cách ly bé ở trong nhà cho tới khi khỏi hẳn.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi: Để tránh làm bong vỡ các mụn nước dẫn đến viêm loét và để lại sẹo.
- Sử dụng đồ dùng sinh hoạt riêng: Để tránh lây nhiễm cho những người chưa nhiễm bệnh trong gia đình.
- Giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ: Bằng cách thay quần áo và tắm rửa hàng ngày với nước ấm sạch.
- Dùng thuốc: Ba mẹ có thể dùng thuốc tím bôi lên các nốt mụn để kháng viêm, ngăn ngừa hình thành sẹo về sau. Nếu trẻ bị sốt cao có thể dùng các loại thuốc hạ sốt thông thường. Lưu ý, không dùng Aspirin và việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Đưa trẻ đi khám: Nếu trẻ bị sốt cao kéo dài, kèm theo đó là co giật, hôn mê… ba mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để thăm khám, điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh thủy đậu
Tiêm vaccine là các phòng tránh thủy đậu tốt và hiệu quả nhất. Ngoài ra ba mẹ cũng có thể áp dụng một số cách sau để dự phòng thủy đậu ở trẻ:
- Vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn, vi rút bám dính trên da.
- Cho trẻ ăn uống, ngủ nghỉ khoa học để tăng cường sức đề kháng tránh vi rút có cơ hội tấn công bé.
- Cho trẻ dùng đồ dùng cá nhân riêng, không dùng chung đồ dùng với trẻ bị thủy đậu.
- Không cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị thủy đậu.
11. Mụn cóc
Mụn cóc là những khối u nhỏ tăng sinh trên bề mặt da. Các khối u này thường sần sùi nhưng lành tính, xuất hiện nhiều ở bàn tay, ngón tay, bàn chân, đôi khi cũng xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Mụn cóc gây đau đớn và mất thẩm mỹ cho trẻ.
Nguyên nhân gây ra mụn cóc
Mụn cóc là bệnh da liễu do virus HPV (Human Papilloma Virus) gây ra. Virus HPV này xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Khi vào trong cơ thể, các virus phát triển và kích thích các tế bào trên bề mặt da, gây ra mụn cóc.
Các dấu hiệu nhận biết mụn cóc ở trẻ bao gồm:
- Trên da xuất hiện các mụn nhỏ, nổi gờ lên hẳn trên bề mặt da, màu trắng hồng hoặc trong, trũng ở giữa.
- Kích thước mụn cóc có thể như đầu đinh hoặc to như đầu tẩy của bút chì.
- Mụn cóc có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành cụm ở mặt, cổ tay, chân, bụng, bộ phận sinh dục.
- Mụn cóc lành tính nhưng đôi khi chúng có thể gây ngứa, nhức đỏ, hoặc sưng lên.
Cách xử lý khi trẻ bị mụn cóc
Để điều trị mụn cóc ở trẻ sơ sinh ngay tại nhà ba mẹ có thể sử dụng các biện pháp như:
- Dùng thuốc trị mụn cóc: Thuốc trị mụn cóc như axit salicylic được bán rộng rãi ở các nhà thuốc dưới dạng miếng dán, thuốc mỡ và dung dịch lỏng. Ba mẹ có thể mua về và bôi cho bé theo chỉ định để hạn chế mụn cóc phát triển.
- Dán băng keo: Dán mụn cóc bằng băng keo chuyên dụng trong 6 ngày, sau đó ngâm trong nước và nhẹ nhàng loại bỏ mô chết bằng đá bọt nhám. Lặp lại quá trình cho đến khi mụn cóc rụng hết.
- Đưa trẻ đến gặp bác sĩ: Nếu việc điều trị tại nhà không cho hiệu quả tốt, ba mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà các bác sĩ có thể chỉ định một số cách như: dùng thuốc lột, đóng băng, tiểu phẫu, chiếu laser…
Cách phòng mụn cóc ở trẻ
Ba mẹ có thể áp dụng những mẹo sau đây để làm giảm nguy cơ nhiễm virus HPV gây ra mụn cóc ở trẻ:
- Vệ sinh da trẻ thường xuyên mỗi ngày.
- Không để trẻ dùng chung đồ dùng các nhân với các trẻ khác.
- Cho trẻ tiêm phòng vaccine HPV.
12. Chốc lở da
Bệnh chốc lở da là tình trạng da bị nhiễm khuẩn bởi các liên cầu khuẩn hay tụ cầu khuẩn. Đặc trưng của bệnh này là những bọng nước, mụn mủ và các vết đóng vảy có màu mật ong ở trên da.
“Thủ phạm” chủ yếu gây bệnh chốc da là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus và liên cầu nhóm A streptococcus. Những vi khuẩn này xâm nhập vào da thông qua các vết xước, nứt, sau đó sinh sôi phát triển và hình thành nên vết chốc.
Dấu hiệu nhận biết bệnh chốc lở da
Tùy theo hình thái thương tổn mà chốc lở da sẽ có những biểu hiện khác nhau:
- Chốc không bọng nước: Khởi đầu là vết rát hồng, tiến triển thành mụn nước. Bọng nước hóa mủ nhanh, dập vỡ để lại các vết xước đóng vảy màu vàng mật ong. Khi bong vảy nền da đỏ. Khi lành da bị thâm nhưng không để lại sẹo. Vị trí thường bị nhất là mặt và các chi.
- Chốc có bọng nước: Khởi phát với mụn nước nhỏ, sau lớn dần thành bọng nước. Bọng nước chứa dịch vàng trong sau chuyển thành vàng đậm, vỡ trong 1 – 3 ngày, để lại viền mỏng xung quanh rát đỏ, ẩm ướt. Vị trí thường bị là mặt, thân mình, các chi, mông.
Cách xử lý khi trẻ bị chốc lở da
Để giúp bệnh chốc lở da nhanh lành, không lây lan và nhiễm trùng ba mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ: Ba mẹ có thể dùng nước tím pha loãng theo tỷ lệ 1/10.000 hoặc sử dụng một số loại nước tắm trong dân gian như: chè xanh, kinh giới… để làm sạch và sát khuẩn da bé.
- Dùng thuốc Betadine hoặc xanh Methylen: Để sát trùng và giảm viên nhiễm da.
- Rửa tay cho trẻ với chất diệt khuẩn: Để ngăn ngừa sự tích tụ của khuẩn liên cầu và tụ cầu.
- Che vết chốc: Để giúp cho các chất dịch trong bóng nước không lây lan vi khuẩn sang các vùng da khác của cơ thể.
- Cắt móng tay cho trẻ: Đảm bảo vi khuẩn không tích tụ dưới móng tay khi trẻ gãi, đồng thời hạn chế tổn thương da và làm vỡ bóng nước.
- Đưa trẻ đến gặp bác sĩ: Trường hợp chốc lở da nặng, ba mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và điều trị.
Ba mẹ có thể chủ động phòng ngừa chốc lở da tái phát bằng cách:
- Vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ bằng các loại sữa tắm có khả năng diệt khuẩn.
- Cho trẻ mặc đồ rộng rãi, thoải mái, thoáng mát.
- Vệ sinh phòng ngủ và nơi vui chơi của trẻ sạch sẽ.
- Cho trẻ sử dụng đồ dùng riêng, không dùng chung với đồ dùng của trẻ khác.
- Hạn chế cho trẻ chơi ở nơi thiếu ánh sáng và dễ bị côn trùng đốt.
- Khi phát hiện ra bệnh phải điều trị ngay, phòng bệnh lây lan và biến chứng.
Trên đây là top các bệnh về da ở trẻ sơ sinh thường gặp nhất. Nhìn chung các bệnh về da này thường không quá nguy hiểm đến tính mạng, nhiều bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian hoặc nếu được ba mẹ xử lý tốt. Tuy vậy, ba mẹ cũng nên cảnh giác, phát hiện sớm và xử trí kịp thời để bé yêu không gặp phải những biến chứng không mong muốn về da cũng như về mặt thẩm mỹ sau này!